> Tin tức
Cáp treo Tây Thiên đối mặt với những khó khăn đầu tiên tại Phật Đạo
Thứ bảy Ngày 14 tháng 01 năm 2012
Núi đá dựng đứng, vực sâu hun hút, không được sử dụng thuốc nổ, máy xúc và máy đập không vào được tận chân công trình khiến việc mở đường cho dự án Cáp treo Tây Thiên trở thành cuộc so tài thử trí giữa thiên nhiên hoang sơ và sức mạnh phi thường của con người...


Cáp treo Tây Thiên chạy theo hướng Tây Tây Nam – Đông Đông Bắc, dọc theo con thác Bạc, kéo dài 2.500m với 13 cột trụ đỡ cao từ 20m tới 36m. Nhà ga đi đặt tại đền Cậu ở độ cao khoảng 120m nối với Nhà ga đến đặt tại chân Đền Thượng ở độ cao 486m. Các hạng mục của dự án bao gồm Phật Đạo kéo dài từ đền Thỏng tới Nhà ga đi, Nhà ga đi, Nhà ga đến và các cột đỡ hệ thống cáp treo.

Vào những ngày cuối năm 2010, công trình nơi đây ngổn ngang với máy xúc, máy đập công suất lớn nhằm mở Phật Đạo, hạng mục thi công đầu tiên dẫn vào Cáp treo Tây Thiên.

Phật Đạo được khởi công vào ngày 26/10/2010 với kết cấu bê tông trên đoạn đường kéo dài khoảng 1,5km. Khi thông được tuyến đường này, việc chuyển vật liệu và thi công tại dự án sẽ dễ dàng hơn. Phật Đạo cũng là tuyến đường dành cho xe điện khởi hành từ đền Thỏng tới Nhà ga đi phục vụ du khách. Toàn bộ tuyến đường được chia làm 4 đoạn bao gồm đoạn ghềnh đá, đoạn đá xô, đoạn vực bò và vực đầu rừng thông luôn là thử thách lớn với đội ngũ kỹ sư và công nhân tại công trường. Địa hình của tuyến đường này rất phức tạp, bên dưới là vực sâu, trên là vách đá dựng đứng, đá rất dễ đổ xuống theo máy xúc nên tiến độ thi công bị chậm và yêu cầu về an toàn tại công trường được đẩy tới mức cao nhất. Có những đoạn vừa phải đắp đá từ dưới lên, vừa phải chèn đá sang hai bên đường để cố định toàn tuyến. Có những đoạn phải dùng búa máy đập đá thật nhỏ lại rồi mới nắn được đường. Hai đoạn vực đá xô và đoạn vực bò khiến đội ngũ thi công mất hơn một tháng trời lao động liên tục và gian khổ.

Về việc thi công Phật Đạo, dnh Vũ Hồng Minh, Chủ nhiệm công trình Cáp treo Tây Thiên cho biết: “Dù đã xác định tư tưởng nhưng khi gặp phải hai đoạn đường này, ai cũng thấy nao lòng. Nhưng đó cũng chính là động lực để mọi người vượt qua những khó khăn phía trước”. Dự kiến, Phật Đạo sẽ hoàn thành vào Tết Nguyên Đán 2010.

Tới đầu tháng 2/2011 hệ thống Cáp treo Tây Thiên sẽ bắt đầu được thi công, khởi đầu sẽ Nhà ga đi đặt tại đền Cậu. Tổng diện tích khu Nhà ga đi là 8.000m2, diện tích xây dựng khoảng 1.870m2, trong đó diện tích xây dựng nhà ga khoảng 1.250m2 và diện tích xây dựng các công trình dịch vụ phụ trợ khoảng 620m2. Nhà ga đến được đặt dưới chân đền Thượng, diện tích khu nhà ga khoảng 4.800m2. Diện tích đất xây dựng là 1.125m2, trong đó, diện tích đất xây dựng nhà ga là 900m2, diện tích đất xây dựng các công trình phụ trợ là 225m2.

Song hành cùng hai nhà ga là phần thi công cột đỡ hệ thống Cáp treo Tây Thiên. Trên toàn tuyến cáp sẽ bố trí 13 cột trụ đỡ với diện tích khoảng 45m2 một trụ, độ cao từ 10m tới 36m, vận tốc di chuyển trên tuyến là 5m/s, thời gian hành trình 1 chiều là 7 phút 12 giây.

Trong khi thiết kế, hệ thống cáp treo trên không đã hạn chế tối đa việc giao cắt với tuyến đường bộ, đảm bảo vận hành an toàn. Trên mặt bằng, tuyến cáp chạy theo đường gấp khúc. Đây là phương án hợp lý về hành trình, phù hợp với môi trường cảnh quan thiên nhiên của địa phương cũng như đảm bảo tính khả thi về mặt kỹ thuật. Cáp treo Tây Thiên là hệ thống cáp đơn tuần hoàn với công suất 1.800 khách/giờ, sử dụng cabin 8 chỗ với công nghệ thiên tiến và hiện đại nhất thế giới. Hệ thống cáp treo này có độ bền, sự an toàn và tính năng tự động hoá cao, lắp đặt và thi công dễ dàng, đã được kiểm chứng tại Yên Tử và Nha Trang.

Đồng thời với dự án Cáp treo Tây Thiên, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng sẽ khởi công xây dựng Trung tâm Văn hóa – Lễ hội Tây Thiên có qui mô 163 ha nằm ngay ở khu vực đền Thỏng dưới chân núi. Hai công trình trên sau khi được hoàn thành, cùng với hệ thống di tích vốn có, sẽ tạo thành một quần thể du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung, mang đậm dấu ấn của văn hóa dân gian và văn hóa Phật giáo Việt Nam.