BẢN ĐỒ > Bản đồ lịch trình
Giới thiệu chung

Khu danh thắng Tây Thiên có diện tích khoảng 148ha, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tây Thiên nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo. Tương truyền từ xa xưa, Ngài Khương Tăng Hội - một nhà tu hành Ấn Độ trong chuyến viễn du sang phía Đông, thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã đã chọn nơi đây dựng lều làm chốn nghỉ chân và truyền bá đạo Phật.

Toàn cảnh khu vực đền Thượng trên sườn núi Thạch Bàn

Tên gọi Tây Thiên mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo. Vào thế kỷ III trước công nguyên, phái bộ thứ tám của vua A Dục đã tới nơi đây hoằng dương Phật pháp. Bị thu hút bởi cảnh sắc núi non liên hoàn hùng vĩ và u nhã, có suối chảy nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm, giáo đoàn đã dừng chân tu hành, xây dựng thành Nê Lê và chùa Địa Ngục. Tới thời Trần, đây là trung tâm Phật giáo thâm uy giống như Yên Tử và Đông Triều.

Cảnh sắc Tây Thiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng đã cuốn hút du khách

Các địa danh khác như Suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ, rừng thông già đại thụ là nơi nhiều đời cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Người ta cũng đã tìm đc 3 bia mộ đá và di cốt của Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư. Ngoài ra còn nhiều nền chùa cổ và các di chỉ hiếm hoi dưới nền đất rừng Tây Thiên được ghi lại trong sách Kiến Văn Tỉ Lục của Lê Quý Đôn.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (ảnh internet)

Nơi đây cũng đã xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm lớn nhất cả nước. Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên còn là chốn tổ phật giáo Việt Nam. Vào khoảng 2300 trước Công Nguyên, nơi đây đã có chùa “Tây Thiển cổ tự.” Năm 2450 trước Công Nguyên, một lần Vua Hùng Vương thứ 7 lên núi Tam Đảo cầu tiên đã thấy ở đây có chùa thờ Phật. Xác định đây chính là cái nôi của phật giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm trên nền chùa cổ Thiên Ân cổ, có diện tích rộng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha. Khi xây dựng thiền viện, các nhà khoa học còn tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chỉ khảo cổ về phật giáo minh chứng rõ thêm về chốn tổ phật giáo.

Tây Thiên là nơi thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc.