> Tin tức
Tây Thiên – điểm thu hút khách hành hương đầu xuân mới
Thứ tư Ngày 20 tháng 02 năm 2013
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, phật tử và du khách bốn phương lại tìm đến Tây Thiên, nơi chốn linh thiêng để chiêm bái, cầu mong chư phật cũng như Quốc Mẫu Tây Thiên chở che một năm mới an lành, nhiều may mắn.

Tây thiên là một quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá nổi tiếng, bao gồm hệ thống các đền chùa có giá trị văn hoá và khảo cổ. Bên cạnh những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thỏng thì Tây Thiên còn có đền Cậu, đền Cô,… đầy bí ẩn và linh thiêng. Hiện nay, Tây thiên đã được trùng tu tôn tạo hệ thống đền chùa, từng bước khẳng định vị trí của một trung tâm tín ngưỡng giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, chốn linh thiêng này trở thành điểm thu hút người hành hương đầu năm mới.


Cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm Lễ hội Tây Thiên 

Sân lễ hội Tây Thiên

Nằm phía bên tay trái cổng Tam Quan dẫn vào Khu trung tâm lễ hội, Đại Bảo tháp Tây Thiên – một kiệt tác nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa đang dần hoàn thiện để chào đón Phật tử và du khách về tham dự Lễ hội Văn hóa Tây Thiên năm 2013.

Sân đền Thõng rủ bóng che của tán lá cây đa chín cội ngàn năm tuổi.

Đền Thỏng được coi là “cửa ngõ” dẫn lên khu di tích đền Thượng trên đỉnh núi. Ngôi đền hiện tại được xây dựng vào năm 1998 theo kết cấu chữ đinh trên nền ngôi đền cũ, hướng ra không gian rộng lớn với cây đa chín cội sừng sững trước cửa đền như một chứng nhân lịch sử linh thiêng.

Khu vực nhà tả hữu mạc là nơi phật tử và du khách sắp lễ tại đền Thỏng

Ngay bên trái đền Thỏng là chùa Thiên Ân

Bến chờ xe điện tại chân đền Thỏng

Sau đó du khách tiếp tục hành trình để đến đền Cậu bằng xe điện hoặc đi bộ ven theo bờ suối với độ dài khoảng 1,5 km.

Bến xe điện đưa đón khách dưới chân nhà ga đi cáp treo Tây Thiên

Khi lên đền Cậu, ngoài cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ thì đền còn là nơi mà các cặp bạn trẻ đến đây để cầu duyên, cầu tự. Theo như lời kể của nhân dân thì đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh. Chắc chắn đây sẽ là điểm khởi nguồn đầu tiên tốt nhất cho mạch cảm xúc về với Mẫu của mỗi người khi đến với Tây Thiên.

Tiếp theo cuộc hành trình, từ đền Cậu đi thêm khoảng 2km nữa chúng ta sẽ đến đền Cô. Đền Cô được xây dựng từ rất lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé. Theo như lời kể lại, Cô Bé là con nhà trời, toạ lạc tại đây cùng Mẫu Thiên giúp dân, giúp nước. Bên cạnh đền là suối Giải Oan và một chiếc giếng cổ, rất nhiều khách hành hương từng đến đây đã thừa nhận rằng suối này rất thiêng. Nếu ai lấy nước từ suối hoặc giếng dâng lên cúng rồi uống sẽ thấy trong lòng mình thư thái, thanh thản và tịnh tâm.

Từ đền Cô đi men theo dòng suối vào hơn 500m là Tịnh Thất Tây Thiên. Nơi đây là địa điểm tu hành của 130 ni cô theo pháp môn Mật tông của dòng truyền thừa Drukpa, các ni cô rất giỏi tiếng Phạn và tiếng Anh.

Một buổi khóa lễ với dàn kèn đồng và trống rực rỡ rất đặc biệt mang đậm dấu ấn của phật giáo Mật tông tại Tịnh Thất Tây Thiên

Đền Cô Chín dưới chân đền Thượng

Đền Thượng là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo. Tương truyền bà được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo, kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 và đã có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa. Sau đó bà được phong là “Tam Đảo Sơn Trụ Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần” và danh vị Quốc Mẫu Tây Thiên. Đền Thượng toạ lạc tại vị trí có độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển trên núi Thạch Bàn, dãy Tam Đảo.

Tam Tòa Thánh Mẫu nằm ngay cạnh đền Thượng

Phía sau Tam Tòa Thánh Mẫu là Động Chúa Sơn Trang

Đường lên Mẫu Thượng Thiên

 

Du khách vào lễ tại nơi thờ Mẫu Thượng Thiên 

Chùa Thượng (tức chùa Tây Thiên)

Phía sau chùa Thượng Tây Thiên còn lưu giữ được 3 ngôi mộ cổ ghi danh hiệu các thiền sư: Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền sư.

Từ 3 ngôi mộ cổ thiền sư đi thẳng lên khoảng 200m là nơi đặt bàn cờ tiên với không gian thoáng mát.

lachong.vn

Các tin cùng chủ đề trên các báo khác