> Tin tức
Cáp treo Tây Thiên trên bản đồ du lịch Việt Nam
Chủ nhật Ngày 15 tháng 01 năm 2012
Hiện nay, các tỉnh thành có tiềm năng du lịch ở nước ta, bên cạnh việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí từ nhẹ nhàng đến cảm giác mạnh đều phát triển thêm loại hình du lịch cáp treo. Cáp treo là một phương tiện giúp du khách tận hưởng cảm giác kỳ thú khi tham quan phong cảnh từ trên cao.


1. Cáp treo Bà Nà

Ngoài tuyến cáp treo dài gần 1km từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Bà Nà đã được xây dựng từ năm 2000, từ tháng 3/2009, Bà Nà Hills đã đưa vào khai thác tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ từ chân núi lên đồi Vọng Nguyệt. Từ ca-bin lên đỉnh Bà Nà, lơ lửng giữa lưng chừng mây, du khách thoải mái ngắm nhìn vẻ nguyên sơ, hùng vĩ của rừng nguyên sinh, tận hưởng không gian rộng lớn như một bức tranh nhiều màu sắc giữa bốn bề mây phủ điệp trùng.

2. Cáp treo Vinpearl Land

Đi vào hoạt động từ ngày 10/3/2007, hệ thống cáp treo này được xây dựng là nhằm nối đất liền với đảo Hòn tre, nơi có tổ hợp du lịch giải trí biển đảo đa chức năng Vinpearl Land.    

Ngồi trong cabin từ độ cao lý tưởng của cáp treo, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Nha Trang xinh đẹp với những bãi biển uốn lượn ôm gọn lấy thành phố biển, cũng như được ngắm nhìn cảnh đẹp tựa thiên đường của Vịnh Nha Trang, 1 trong 30 vịnh biển nổi tiếng và đẹp nhất thế giới với những  góc nhìn mới lạ, hấp dẫn.

3. Cáp treo Yên Tử

Yên Tử là một địa chỉ du lịch hành hương nổi tiếng ở khu vực phía Bắc. Hành hương Yên Tử  là một cuộc leo núi đầy thú vị. Tuy nhiên du khách sẽ có cảm giác khác hơn nữa khi thực hiện cuộc hành trình bằng phương tiện cáp treo để chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh Yên Tử từ trên cao. Hệ thống cáp treo Yên Tử có hai chặng với tổng chiều dài 900m, giúp du khách ngắm nhìn toàn cảnh vùng đất linh thiêng và thơ mộng này.

4. Cáp treo Chùa Hương

Chùa Hương là cách nói trong dân gian, trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trước đây, du khách muốn trảy hội Chùa Hương phải đi bộ, leo từ bến Thiên Trù lên động Hương Tích mất cả buổi thì nay, với hệ thống cáp treo hiện đại, du khách chỉ mất 15 phút để lên tới chùa chính.

5. Cáp treo Đà Lạt

Tuyến cáp treo Đà Lạt dài 2.300m từ đỉnh đồi Rôbin đến Thiền viện Trúc Lâm được chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/2/2003. Với hệ thống cáp treo này, du khách có thể thưởng ngoạn rừng núi Tây Nguyên hùng vĩ, toàn cảnh thành phố ngàn hoa và bay trên những rừng thông bạt ngàn, tận hưởng cái lành lạnh của trời Đà Lạt.

6.Cáp treo Núi Bà Tây Ninh

Tuyến cáp treo Núi Bà Tây Ninh dài 1.225m, đưa du khách thăm quan phong cảnh kỳ vĩ của Núi Bà với cảm giác mạnh mà vẫn an toàn, tận hưởng thú vị cảnh quan núi rừng thiên nhiên và muôn thú.

7. Cáp treo núi Tà Cú

Hệ thống cáp tại đây dài 1.600m, có hai nhà ga: nhà ga cáp dưới, nhà ga cáp trên, một quảng trường và những khu phụ trợ rộng rãi, khang trang cùng lúc có thể phục vụ hàng nghìn khách du lịch...được xây dựng hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Ði cáp treo, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hương rừng, gió biển và ngắm nhìn những cánh rừng và đồng lúa bất tận.

8. Cáp treo Vũng Tàu

Được khởi công từ tháng 10-2003, cụm du lịch cáp treo Núi Lớn - Núi Nhỏ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ giúp du khách ngắm thành phố Vũng Tàu từ trên cao xuống với biển, núi, rừng hoa anh đào, rừng cây và Khu Bạch Dinh, Bãi Dâu, Bãi Trước, Bãi Sau…

 9. Cáp treo Tây Thiên

Quần thể di tích danh thắng Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một vùng  địa linh lớn của cả nước, một trong những nơi chứa đựng những dấu tích Phật giáo cổ nhất Việt Nam với hệ thống đền, chùa linh thiêng như chùa Thượng, chùa Phù Nghì, chùa Thiên Ân, Thiền Viện Trúc lâm Tây Thiên, đền Cô, đền Cậu và đặc biệt là hệ thống đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu - người có công lớn giúp vua Hùng Vương thứ 7 gìn giữ và mở mang bờ cõi.

Tới Tây Thiên, du khách không chỉ được hành hương lễ Phật, lễ Quốc Mẫu mà còn có cơ hội thăm quan và tận hưởng cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành của thiên nhiên với các danh thắng:  Bãi đá Liền, suối Tối, thác Chòi Tre, thác Bạc, suối Vàng, suối Giải Oan... 

Cáp treo Tây Thiên là dự án thuộc Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên do UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo, Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng làm chủ đầu tư nhằm phát huy những giá trị tiềm năng của mảnh đất Tây Thiên nói riêng và phát triển du lịch, kinh tế của tĩnh Vĩnh Phúc nói chung.

Hệ thống cáp treo gồm hai ga: Nhà ga đi xuất phát từ đền Cậu, và Nhà ga đến ở chân Đền Thượng, chạy qua Thác Bạc và đền Cô với chiều dài 2500m trên độ cao khoảng từ 200m tới 500m. Công nghệ và thiết bị cáp treo thuộc hàng tiên tiến và hiện đại nhất thế giới do hãng POMA (Cộng hoà Pháp) sản xuất và cung cấp. Tổng mức đầu tư là 258 tỉ đồng và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 2 năm 2012.

Sau khi dự án này hoàn thành, quần thể di tích danh thắng Tây Thiên được kỳ vọng sẽ trở thành một điạ chỉ du lịch  tâm linh thu hút đông đảo Phật tử và du khách, trở thành một tổng hòa văn hóa Phật giáo với các dòng thừa Thiền-Tịnh-Mật đồng tu. Tây Thiên cũng sẽ là một miền đất Mẫu rực rỡ, xứng danh là quê hương của một tín ngưỡng dân gian bền bỉ lâu đời.

Cùng với các hệ thống cáp treo khác đã được đưa vào hoạt động, Cáp treo Tây Thiên chắc chắn sẽ góp phần tạo nên bản sắc du lịch và níu giữ chân du khách khi đến với mỗi vùng đất trên quê hương Việt Nam.

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ các website du lịch)