“Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng...”(Kiến văn tản lục – Lê Quý Đôn).
Nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng một giờ lái xe, Tây Thiên là một vùng sơn thủy hữu tình với hệ động thực vật phong phú và khí hậu quanh năm dịu mát.
Với diện tích khoảng 148ha, quần thể di tích Tây Thiên nằm trong một vùng đa dạng sinh học với gần 500 loài thực vật và 300 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Tại Tây Thiên có những cây thông đã sống đến ngàn năm tuổi, kiêu hãnh vươn mình và tỏa bóng xuống những lối đi quanh co trong rừng. Một ngày ở nơi đây, người ta có thể thưởng thức được dư vị của bốn mùa trong một năm: gió xuân mơn man lúc bình minh, nắng hạ ấm áp vào buổi trưa, tiết thu dìu dịu khi chiều về và cái se lạnh của mùa đông khi bóng tối đổ xuống.
Nằm trọn trong sự bảo bọc và chở che của núi rừng là những mái đền, ngôi chùa cổ kính. Thảng trong sự tĩnh lặng đến vô chừng là tiếng chuông từ xa vọng về, gợi ra những yên bình và thanh thản cho tâm hồn bất kỳ du khách nào từng đặt chân tới nơi đây.
Thiên nhiên Tây Thiên còn góp phần vào việc kiến tạo nên vẻ đẹp của các đình, chùa. Cây đa trở thành hình ảnh quen thuộc, xuất hiện tại bất cứ di tích nào thuộc quần thể này. Ở lối vào đền Thỏng dưới chân núi, một phần rễ của cây đa chín cội vẫn sừng sững đứng đó, thách thức thời gian và trở thành “vị thần gác cửa” uy nghiêm cho ngôi đền. Độc đáo hơn, đền Cậu được xây dựng ngay trong lòng núi, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cách để tỏ lòng thành kính với vị thần núi – vị thần Mẹ nơi đây, tức Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương – Đệ nhất thượng đẳng phúc thần, hay còn gọi là Quốc Mẫu Tây Thiên.
Ngược lên phía trên là Thác Bạc, đổ ào ào từ độ cao 40 mét xuống chân núi. Thác Bạc hợp lưu với suối Vàng ở hồ Sen rồi cùng nhau chảy ra khe Giải Oan, tạo nên một điểm nhấn trong bản hùng ca của núi rừng Tây Thiên. Ngược lên Đầm Sen, Ao Dứa và núi Rùng Rình, đi tiếp khoảng 3 cây số nữa sẽ tới chùa Đồng Cổ, nơi thờ tự hai pho tượng Phật có niên đại lâu đời và nằm giữa một vùng non nước hữu tình.
Có lẽ bởi sự gắn kết giữa thiên nhiên và tín ngưỡng đó mà người ta dễ dàng tìm thấy được ở Tây Thiên sự bình yên trong tâm hồn. Ngồi trong cabin của cáp treo ngắm dòng Thác Bạc ào ạt đổ xuống chân núi, ghi lại từng khoảnh khắc chuyển động của vầng dương đang dần xuống từ độ cao 200 mét hay đi dọc tuyến cáp để khám phá những loài thực vật lạ và thả đôi chân xuống làn nước mát lạnh của suối Giải Oan chảy qua đền Cô đều sẽ là cách để bất cứ du khách nào tìm về với sự thư thái và tĩnh tại.