GIỚI THIỆU> Danh thắng Tây Thiên
Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển

Cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”…đã biến Tây Thiên trở thành điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp. Những ngôi đền, mái chùa nép dưới bóng núi và những trảng cây rừng xanh mướt tựa vào các dòng suối uốn khúc róc rách chảy khiến không khí thiền và tĩnh tại tràn ngập núi rừng nơi đây.

Đã không ít các tao nhân mặc khách viết về Tây Thiên.  Thế kỷ XIX, Cao Bá Quát trong một lần làm lữ khách ngang qua đây đã đăng đàn ngợi ca:

Cửu khúc hồi khê sơn bách chuyển

Độc cao phong bán thị Tây Thiên

Dịch nghĩa:

Chín khúc suối về, trăm núi lượn
Chừng cao nửa ngọn, ấy Tây Thiên

(Cao Chu Thần Thi Tập)

Cảnh quan sơn thủy hữu tình, địa thế “long chầu, hổ phục”…đã biến Tây Thiên trở thành điểm du lịch tâm linh ít nơi nào sánh kịp. Những ngôi đền, mái chùa nép dưới bóng núi và những trảng cây rừng xanh mướt tựa vào các dòng suối uốn khúc róc rách chảy khiến không khí thiền và tĩnh tại tràn ngập núi rừng nơi đây.

Theo câu thơ của Cao Bá Quát thì từ khúc suối thứ nhất sau đền Trình (tức đền Thỏng) là bước vào lãnh địa Tây Thiên. Tới vực suối Đá liền, cảnh trí rộng phong quang, con đường rừng thông ngoằn ngoèo uốn lượn là tới dốc Tràng Sinh. Càng đi lên, tâm hồn con người lâng lâng bước vào nơi thoát tục. Sau khi vào lễ Đền Cậu, lội qua khe Tràng Sinh là có thể sang suối vào thăm Thác Bạc. Đó là dòng thác gần như thẳng đứng với độ cao 40 mét, có nguồn từ suối Bát Nhã trên ngọn Thạch Bàn dội xuống, tiếng vang ào ào vọng vào thung lũng, hai sười núi dội lại âm vang trườn sâu theo dốc núi.

Men theo đường núi, lội suối, leo đèo, khoảng 4 km là tới khe Giải Oan. Dòng nước từ thượng nguồn chảy về trong xanh mát rượi khiến lòng người tĩnh tại ngất ngây như đã hòa vào nơi xa lánh bụi trần, làm sáng tâm hồn, bước lên đền Cô lễ bái. Chín khúc suối chảy về, trăm núi uốn lượn tạo nên điểm nhìn và địa thế tuyệt đẹp cho chốn linh địa này.

Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam trước đó một thế kỷ đã viết: “... Chân núi về đằng trước ở phía tả có khe Giải Oan, tức là thượng lưu sông Sơn Tang, huyện Yên Lạc... Từ phía tả khe Giải Oan lên núi đến Hồ Sen sắc nước xanh biếc; Hai bên ngoài hồ suối từ khe đá chảy ra, bên tả gọi là suối Bạc; Nguồn từ khe đá đỉnh núi chảy xuống, trông như tấm lụa, bên hữu gọi là suối Vàng từ chùa Đá chảy ra... Suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở trước hồ Sen, dòng nước quanh co chảy xuống rồi hợp với khe Giải Oan...”.

Theo tác giả Lê Kim Thuyên